Bệnh viên Âu Cơ

VẤN ĐỀ DA QUY ĐẦU Ở TRẺ NHỎ

Đăng ngày: 31-05-2018 02:44 pm

 

I - TỰ CHẨN ĐOÁN

Hẹp da quy đầu: là tình trạng không thể bộc lộ quy đầu dương vật ra ngoài khi “cậu bé” ở trạng thái nghỉ ngơi. Điều này khiến không thể vệ sinh quy đầu. Khi đi tiểu, nước tiểu sẽ làm phồng bao quy đầu lên, rồi sau đó mới len qua lỗ nhỏ thoát ra ngoài

 

Hình 1: A: hẹp da quy đầu - B: Phồng da khi đi tiểu

  • Bán hẹp da quy đầu: là tình trạng vẫn có thể bộc lộ quy đầu khi “cậu bé” ở trạng thái nghỉ ngơi, tuy nhiên, lại gặp khó khăn khi ở trạng thái “vươn vai thức giấc”. Vì lúc này thể tích “cậu bé” lớn hơn. Khi kéo da xuống sẽ thấy có 1 vòng thắt ở cổ (mũi tên)

Hình 2: Bán hẹp da quy đầu

Và nếu lỡ tuột vòng da ra sau quy đầu, mà không thể trả lại hiện trạng ban đầu, đặc biệt khi ở trạng thái cương cứng, có thể gây thắt nghẹt bao quy đầu. (Hình 3)

 

                                                                                                              

Hình 3: Thắt nghẹt bao quy đầu

  • Thừa da quy đầu: là tình trạng vẫn có thể bộc lộ quy đầu kể cả khi ở trạng thái “vươn vai thức giấc”, tuy nhiên, lớp da vẫn còn dư rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nước tiểu đọng lại bên trong, tạo môi trường ẩm thấp và dễ gây viêm.

Cần lưu ý là thừa da quy đầu có thể đi kèm với hẹp hay bán hẹp da quy đầu.

Hình 4: Thừa da quy đầu

  • Dính da quy đầu: thường gặp ở trẻ nhỏ. Mặt trong da quy đầu vẫn còn dính với quy đầu. Thường sẽ tự tách dính khi trẻ được 3-6 tuổi.

Hình 5: Dính da quy đầu

 

II – SỰ PHÁT TRIỂN CỦA BAO QUY ĐẦU

Ở trẻ sơ sinh, da quy đầu thường dính vào quy đầu. Lớp da này sẽ dần tách ra khỏi quy đầu theo thời gian nhờ vào sự tích tụ các mảng tế bào biểu mô chết (Smegma) và hiện tượng cương vào mỗi buổi sáng. Da quy đầu sẽ tách khỏi quy đầu ở 90% khi trẻ lên 3 tuổi.

Khả năng bộc lộ được quy đầu lần lượt là 4% ở trẻ sơ sinh, 20% ở trẻ 6 tháng tuổi, 50% ở trẻ 12 tháng tuổi, 80% ở trẻ 2 tuổi và 90% ở trẻ 3 tuổi.

III – HẬU QUẢ CỦA HẸP VÀ BÁN HẸP BAO QUY ĐẦU

  • Dễ bị viêm quy đầu do không thể vệ sinh. (Hình 6A)
  • Viêm xơ teo từ bao quy đầu đến quy đầu, và có thể là viêm hẹp miệng sáo - đoạn ống tiểu phía quy đầu. (Hình 6B)
  • Tăng nguy cơ ung thư dương vật.
  • Dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

 

Hình 6: A – Viêm da quy đầu. B – Viêm xơ teo quy đầu

Hình 7: ung thư dương vật

 

IV – KHI NÀO CẮT BAO QUY ĐẦU?

Theo lưu đồ xử trí hẹp da quy đầu của hội niệu khoa Âu châu 2017, thì chỉ có thể điều trị tạm thời với các loại dầu, kem bôi hoặc can thiệp ngoại khoa.

  • Chỉ định:

            Hẹp da quy đâu, viêm xơ teo quy đầu.

            Bán hẹp hay thừa da quy đầu mà gây viêm tái đi tái lại.

            Tôn giáo, văn hóa.

  • Kĩ thuật

            Đối với trẻ nhỏ: tiến hành trong phòng mổ, với tiền mê và tê tại chỗ hoặc gây mê mask thanh quản.

            Đối với người lớn: tiến hành ở phòng tiểu phẫu với gây tê tại chỗ.

  • Biến chứng có thể gặp:

            Chảy máu

            Nhiễm trùng

            Sẹo đau

  • Nên can thiệp bởi bác sĩ Nam Khoa hoặc Niệu Nhi (Hình 8)

Hình 8: A – Hẹp da quy đầu trước mổ. B – Sau cắt da quy đầu. C – Tái khám 10 ngày

 

V – CÓ NÊN NONG BAO QUY ĐẦU?

TUYỆT ĐỐI KHÔNG NÊN cố gắng tuột da quy đầu khỏi quy đầu khi trẻ có vấn đề hẹp hẹp da quy đầu, vì sẽ gây sang chấn tâm lý cho trẻ (do phải nong đi nong lại nhiều lần), đau rát vùng da bị rách và sau đó hình thành sẹo xấu cũng như hẹp tái phát. (hình 8)

                                                

Hình 9: các trường hợp nong da quy đầu nhiều lần thất bại.

 

VI – LÀM GÌ KHI THẮT NGHẸT BAO QUY ĐẦU?

Khi bao quy đầu bị lộn ngược và thắt lại phía sau quy đầu, máu sẽ không thể hồi lưu và gây ra tình trạng sưng phù, mọng nước. (Hình 3 và Hình 10)

Hình 10: Thắt nghẹt bao quy đầu

Các loại thuốc kháng sinh và kháng viêm sẽ không giúp ích gì, cho đến khi nào tuột được lớp da này trở về trạng thái ban đầu. Nên đến các cơ sở y tế để được hỗ trợ. Sau khi bớt phù nề thì nên tham gia cắt da quy đầu.

Nguồn: ThS. BS. Dương Quang Huy – Nam Khoa Bv Âu Cơ